Đảng sâm - Thuốc dưỡng huyết, chữa suy nhược

nongsanlangbiang.com
Th 2 20/12/2021

Đảng sâm còn có tên lộ đảng, đài đảng, phòng đảng, sứ đầu sâm. Đảng sâm là rễ phơi hay sấy khô của nhiều loài đảng sâm (Codolopsis sp.), họ hoa chuông (Campanulaceae). Đảng sâm ở Việt Nam là loài Codolopsis javanica (Blume) Hook f., họ hoa chuông (Campanulaceae).

Đảng sâm chứa saponin, tangshenoside, amylose, codonolactone, alkaloid, nguyên tố vô cơ, sterol, amino acid, nguyên tố vi lượng... Saponin và polysaccharide có tác dụng lên hệ miễn dịch.

Theo Đông y, đảng sâm vị ngọt, tính bình; vào kinh tỳ và phế. Có tác dụng bổ trung, ích khí, sinh tân, kiện tỳ, dưỡng huyết. Trị tỳ vị hư nhược, khí hư huyết hư, thể trạng mệt mỏi vô lực, ăn kém, đại tiện lỏng, sa tử cung, sa trực tràng, sa dạ dày ruột.

Trong các bài thuốc bổ đều có thể dùng đảng sâm thay nhân sâm và tăng liều dùng gấp 2-3 lần. Liều dùng 12-30g dưới dạng sắc, chưng, nấu...

​​​Một số bài thuốc có đảng sâm

Bổ khí tư âm

  • Bài 1: đảng sâm 15g, hoàng tinh 12g, nhục quế 10g, cam thảo 6g, đại táo 10 quả. Đại táo xé nhỏ, các vị sắc nước uống trong ngày. Đợt điều trị 15 ngày. Trị huyết áp thấp.
  • Bài 2 - Sinh mạch tán: đảng sâm 12g, mạch môn 12g, ngũ vị 8g. Sắc uống. Trị ra nhiều mồ hôi, hao tổn tân dịch, mệt nhọc.

Bổ huyết, chỉ huyết

  • Bài 1: đảng sâm 16g, kê huyết đằng 40g, đương quy 20g, bạch thược 12g, thục địa 24g. Sắc uống. Tác dụng bổ huyết.
  • Bài 2: đảng sâm 40 - 60g. Sắc chia uống 2 lần trong ngày. Trị xuất huyết tử cung.

Bổ phổi dịu hen

  • Bài 1 - Thang táo cứu phế: đảng sâm, tang diệp, mạch môn, thạch cao mỗi vị 12g; cam thảo 4g, hồ ma nhân 6g, hạnh nhân 6g, tỳ bà (chích) 8g, a giao 8g. A giao để riêng; thạch cao sắc trước, sau đó cho các dược liệu vào. Sắc lấy nước, hòa a giao vào uống. Tác dụng nhuận phế hóa đờm. Trị hen phế quản.
  • Bài 2: đảng sâm 16g, hoài sơn 12g; ý dĩ, mạch môn, xa tiền tử (sắc bao), hạnh nhân, khoản đông hoa mỗi vị 10g; cam thảo 4g. Sắc uống. Chữa ho, bệnh lao mới nhiễm

Kiện tỳ cầm tiêu chảy

  • Bài 1: đảng sâm 20g; bạch truật sao, đương quy, ba kích mỗi vị 12g. Sắc uống. Trị tỳ vị hư nhược, người mệt, ăn ít dẫn đến đi tiêu lỏng hoặc tiêu lỏng kéo dài.
  • Bài 2 - Cốm bổ tỳ: đảng sâm, ý dĩ, hoài sơn, liên nhục, bạch biển đậu mỗi vị 10g; cốc nha 4g, sa nhân 2g, trần bì 2g, nhục đậu khấu 2g. Tán bột, trộn với mật, xát thành cốm, sấy khô. Trẻ 1 - 3 tuổi, ngày uống 12-16g, chia 2 lần. Trẻ lớn tuổi hơn, tăng liều theo tuổi. Trẻ trên 12 tuổi, uống đủ trong bài. Trị trẻ rối loạn tiêu hóa kéo dài thể hư và thể cam tích.

Kiêng kỵ: Người có thực hỏa, nhiệt thịnh không dùng. Khi đang uống thuốc kiêng ăn củ cải và uống trà đặc.

Nguồn: TS. Nguyễn Đức Quang - suckhoevadoisong

 Tags: